Trước năm 1975, giới văn học miền Nam xếp thi sĩ Nguyễn Đức Sơn là một trong 3 quái kiệt của làng văn thời đó: Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Công Thiện. Cũng có một sắp xếp khác thuần văn học hơn mà thi sĩ Nguyễn Đức Sơn cũng là một cột trụ thi ca của miền Nam: Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên. Sự sắp xếp của làng văn miền Nam thời đó hoàn toàn vô tư, trong sáng, không dựa trên quyền uy, chức tước, bè phái…, từ đó ta thấy được vị trí của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn trong nền văn học.
Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, bút hiệu Sao Trên Rừng, gốc Thừa Thiên Huế. Sinh năm 1937 tại Ninh Chữ, Ninh Thuận (Phan Rang). Ông từng theo học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn nhưng nửa chừng bỏ học. Trong tập thơ Những Bài Tình Đầu, ông ghi vắn tắt hành trang của mình: Sống vô gia cư, chết vô địa táng. Ông cũng tuyên bố: Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu.
Trước năm 1975, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn nổi tiếng: Những Bài Tình Đầu, Đêm Nguyệt Động, Mộng Du, Cái Chuồng Khỉ, Cát Bụi Mệt Mỏi... Các tác phẩm của ông đều do Nhà xuất bản An Tiêm (Tỳ kheo Thích Thanh Tuệ) in ấn và phát hành.
Ông ở nhiều nơi Phan Rang, Sài Gòn, Bình Dương - Thủ Dầu Một, Blao - Lâm Đồng và sinh sống bằng nghề dạy học.
Sau năm 1975, ông về ở hẳn tại Phương Bối Am, Blao-Lâm Đồng, cách ly với sinh hoạt văn học. Ông nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông (vì ông trồng một vạn cây thông) với biệt danh Sơn Núi.
(Nguồn: Nguyễn Miên Thảo & Hoa Linh Thoại)
Như đã nói ở trên, Nguyễn Đức Sơn đến giữa đời và văn chương trong dáng vẻ và hành xử quái dị. Thường ông ăn mặc rất bụi, thế nhưng có khi lại khoác áo lam thầy chùa hoặc diện đồ lớn. Nhà văn Nguyễn Đình Toàn viết trong Bông Hồng Tạ Ơn: Rất nhiều người đọc đã sửng sốt khi đọcNhững Bài Tình Đầu của ông. Trên bìa trước và bìa sau của tập thơ, ông đã cho in đầy những lời‘tuyên bố huênh hoang’, ‘quát tháo hung dữ’, ‘khoa trương về những tác phẩm ngợp mắt’ của mình, xỉ vả tất cả những ai, bất luận ‘già, trẻ, đực, cái’, muốn lợi dụng tài năng của ông.
Và Nguyễn Đình Toàn đưa ra nhận định: … thơ tình của ông làm người ta kinh ngạc.
Thay vì “làm học trò không có sách cầm tay, có tâm sự đi nói cùng cây cỏ” (Đinh Hùng), chẳng hạn, chàng trai mới lớn trong thơ Nguyễn Đức Sơn giấu trong cặp “chiếc băng vệ sinh” nhặt được ở đâu đó ngoài đường. Người đàn bà, người nữ, xuất hiện trong thơ Nguyễn Đức Sơn, không mặt mũi, nhan sắc, trước tầm nhìn (cứ gọi là tình cờ) của chàng trai mới lớn, ngồi xuống và “em chưa đái mà hồn anh đã ướt”.
Và Nguyễn Đức Sơn gọi đó là “Vũng nước thánh”. Ông cũng nhắc lại vũng nước ấy trong Đêm Nguyệt Động:
không biết trong mơ em còn mắc cỡ
một đêm vàng rúng động giấc thanh tân
dưới chăn chiếu thiên nhiên lồ lộ mở
em đái dầm ướt sẫm cả trần gian
Còn ai ngông và quái dị hơn Nguyễn Đức Sơn khi ông có ý định lên trời phóng uế:
tôi định một ngày nào đó thật thảnh thơ
leo lên trời
ỉa
Ngoài ra, bài “Cây bông” của ông biểu lộ sự căm phẫn đối với chế độ trong nước và cả nỗi đau đớn của người trí thức nghệ sĩ bị đày đọa trong đó:
Đụ mẹ
Cây bông
Hắn không
Lao động
Ai trồng
Chật chỗ
Mày nhổ
Xem sao
Máu trào
Thiên cổ
Nói về cái ngông của Nguyễn Đức Sơn chỉ cần dẫn thêm mấy câu sau đây:
đầu tiên tôi thở cái phào
bao nhiêu phiền não như trào ra theo
nín hơi tôi thở cái phèo
bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không
Thật ra, đằng sau cái ngông, cái tục và sự quái dị người ta nhìn thấy một con người khác của Nguyễn Đức Sơn, như trong bài Ngậm Ngùi sau đây:
Một đêm sao ở trên trời
Thi nhau rụng xuống bên đồi cây hoang
Lao xao như nắng thiên đàng
Phấn thông hiu hắt bay vàng hồn tôi
Các em rồi sẽ xa xôi
Mình tôi ở lại bóng ngồi thiên thu
Hay như trong bài Mang Mang
Tôi về lắng cả buổi chiều
Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh
Còn một mình hỏi một mình
Có chăng hồn với dáng hình là hai
Từng trưa nằm nghỉ đất dài
Phiêu phiêu như cái hình hài bay lên
Tóm lại, con người Nguyễn Đức Sơn phức tạp, có lúc hung dữ, tinh quái có lúc buồn bã dịu dàng. Có điều chắc chắn là thơ và văn của ông một số sẽ được đời sau đọc đến và ghi nhớ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét