Nguyễn Đức Sơn nổi tiếng quái dị. Đó là nhờ những bài thơ “bạo tục” và nhờ thứ tuyên ngôn kỳ quặc mà thi sĩ cho in lên bìa trước bìa sau của một số tập thơ. Ngoài ra, Nguyễn Đức Sơn nổi tiếng quái dị còn là do hành động và cuộc sống của ông.
Phượng ( Người đàn bà trên đồi cỏ) & Nguyễn Đức Sơn ( Sơn Núi ) |
Thời trẻ, ông yêu Phượng điên cuồng. Theo Đào Hiếu, ông từng khóc lóc rên xiết quỳ lạy, van xin tình yêu của Phượng. Không ăn thua, ông bèn dùng khổ nhục kế trèo lên thành giếng và kêu lên “Bớ Chúc Anh Đài! Ta chết đây” làm Phượng hoảng hốt và rồi xiêu lòng.
Trong đám cưới, ông lớn tiếng chửi thầy Thanh Tuệ vì chưa in xong tập thơ Đêm Nguyệt Động của ông để ông tặng cô dâu. Cưới xong, gia đình ông sống tại Bình Dương gần chùa Tây Tạng. Khoảng cuối thập niên 1970, Nguyễn Đức Sơn đưa gia đình về sống ở vùng núi đồi Bảo Lộc nơi có Phương Bối Am của thầy Nhất Hạnh. Theo một số nhà văn kể lại, cuộc sống của gia đình Nguyễn Đức Sơn ở Phương Bối Am cũng là một thảm kịch. Sống như những sơn nhân, thiếu thốn tiện nghi đời sống và luôn luôn bị cái đói đe dọa. Một bữa cả gia đình gồm hai vợ chồng và 3 đứa con bị trúng độc vì ăn rau rừng và một đứa con bị chết. Rồi cách ông đối xử với người thân của ông cũng khiến nhiều người cảm thấy bất nhẫn. Bửu Ý đã hình dung Nguyễn Đức Sơn là con tê giác cứ húc bừa về phía trước, bất chấp đối tượng.
Nói về Nguyễn Đức Sơn, một số nhà văn còn gọi ông là Lão Thi Sĩ Vạn Thông do ông đã trồng hàng ngàn gốc thông trên ngọn đồi Phương Bối rộng tới cả chục hec-ta. Về chuyện này, nhà thơ Nguyễn Đạt viết như sau, cho thấy lòng yêu thiên nhiên của Sơn Núi:
“Nguyễn Đức Sơn đã bảo vệ tới cùng một tổ chim trên cây rừng Phương Bối bị đám người có hung khí tới phá phách. Lần đó Nguyễn Đức Sơn bị đám người này dùng dao đâm ông, chỉ nửa phân nữa là trúng con mắt.” Ở rừng Phương Bối, Nguyễn Đức Sơn lo chăm bón, bảo vệ từng gốc thông với những phương tiện thô sơ.
Ký giả Quốc Việt trong bài “Ẩn sĩ cuối cùng và đồi thông Phương Bối”, đã kể lại chuyện sau đây về việc trồng thông của Sơn Núi: “Vừa nói lão vừa dẫn tôi lang thang tham quan đồi thông rộng xấp xỉ 30ha của mình. Khoảng vài ngàn ngọn thông lớn nhỏ, nhiều cây cao đã 6 -7 mét. Nhưng rồi ngậm ngùi biết bao khi lão lần xuống triền đồi và chỉ cho tôi xem hàng ngàn cây thông nhỏ với những lỗ đất trống không xen kẽ khắp nơi. “Tôi cứ trồng xuống, người ta lại nhổ lên, rồi tôi lại trồng xuống.” Kể về mình, lão đã cười đến chảy nước mắt khi nói đến “độc chiêu” để bảo vệ thông. Cứ cây nào ra cành đẹp là lão phéng ngay cành đó để chặn mấy tay vô tâm chỉ vì một cành ưng ý mà hạ luôn cả cây. Rồi gần đến mùa Noel lão sẽ châm lửa đốt rừng thông lớn của mình, do thông lớn gặp than lửa sẽ không chết mà càng cao tốt thêm trong khi những cành bên dưới sẽ xấu đi.”
Tới đây, người viết không khỏi tự hỏi: Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn và rừng thông Phương Bối rồi sẽ đi về đâu?
Nhìn lại, Nguyễn Đức Sơn quả là một nghệ sĩ quái dị. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của hai mươi năm văn học miền Nam, người luôn đi tìm trong cuộc sống những câu trả lời không thể trả lời. Rõ ràng Nguyễn Đức Sơn không thể thỏa hiệp với cuộc đời -ông đi ngược dòng sống với thái độ hung hăng gây gổ. Ông sống phân hai giữa đời thơ và đời thường, giữa tu tập và buông thả, giữa dục tính và lãng mạn. Thế giới của Nguyễn Đức Sơn là một thế giới kỳ quặc mà con người phân chia thành nửa này nửa kia luôn luôn chống đối nhau và không bao giờ thỏa hiệp với nhau.
(Tổng hợp từ tin Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét